image banner
Khu lưu niệm Nguyễn Thông

Anh-tin-bai

Nguyễn Thông tên thật là Nguyễn Thới Thông, tên chữ là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am, sinh năm 1827 trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Bình Thanh - tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, Gia Định (nay là xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Thuở nhỏ, Nguyễn Thông nổi tiếng thông minh,  hiếu học. Năm 18 tuổi, ông được gia đình gửi ra Huế để  có điều kiện học tập tốt hơn. Năm 1849, ông đỗ Cử nhân  trong kỳ thi Hương tại trường thi Gia Định, nhưng khi  thi Hội bài vấy mực nên bị đánh hỏng. Nguyễn Thông  bắt đầu cuộc đời quan trường năm 1851 với chức Huấn  đạo huyện Phú Phong, tỉnh An Giang.

Tháng 2/1859,  khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông tòng  quân vào Nam chiến đấu và trở thành trợ thủ đắc lực  của Thống đốc quân vụ đại thần Tôn Thất Hiệp. Sau khi  đại đồn Kỳ Hòa thất thủ (2/1861), ông về Tân An hoạt  động chống Pháp cùng với các thủ lĩnh nghĩa quân địa  phương như: Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghị.

Năm  1862, triều đình Huế cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho  thực dân Pháp, Nguyễn Thông được Kinh lược sứ Phan  Thanh Giản đề cử giữ chức Đốc học Vĩnh Long và giữ  chức vụ này từ năm 1863 đến tháng 7/1864. Thời gian  đó, ông đã cho xây dựng lại Văn Thánh miếu Vĩnh Long và đồng thời liên lạc chặt chẽ với các tổ chức chống  Pháp. Dưới danh nghĩa Đốc học Vĩnh Long, Nguyễn  Thông còn tổ chức cải táng hài cốt Xử sĩ Võ Trường  Toản từ Chí Hòa về Ba Tri.

Năm 1867, ba tỉnh miền  Tây Nam Kỳ bị Pháp xâm chiếm, ông cùng với nhiều  sĩ phu Nam Kỳ không chịu hợp tác với giặc, nên đã tị  địa ra tỉnh Bình Thuận. Năm 1867, Nguyễn Thông được  cử làm án sát Khánh Hòa rồi án sát Quảng Ngãi. Thời  gian này, ông dâng lên vua Tự Đức 4 bản điều trần về kế  sách hưng thịnh quốc gia. Tuy nhiên, tất cả kế sách của  ông đều không được chấp nhận vì sự gièm pha của các  đại thần không cùng chính kiến trong triều.

Năm 1870,  ông tham gia chấm thi Hương ở trường Thừa Thiên rồi  làm Biện lý bộ Hình, Bố chánh Quảng Ngãi. Ở đây,  Nguyễn Thông đã tích cực thi hành những biện pháp để  bài trừ nạn tham ô, hà hiếp dân chúng của bọn cường  hào ác bá địa phương. Việc làm này đã đụng chạm tới  quyền lợi của một số đại thần trong triều, vì vậy, không  lâu sau ông bị cách chức, tống giam và bị xử trượng,  sau nhờ dân chúng kêu oan tới vua, mới được giải tội. 

Năm 1873, ông xin về dưỡng bệnh tại Bình Thuận, kết bạn cùng các thân hào trí thức địa phương, đồng thời  thực hiện các hoạt động khai khẩn đất đai còn hoang  vu.

Năm 1874, Triều đình cho phục chức, bổ nhiệm ông  làm việc tại bộ Lễ nhưng khi đến Huế, ông bị bệnh nên  phải cáo quan trở về.

Năm 1876, ông lại được triệu về  kinh, giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Thời gian này,  ông cùng với các quan trong triều như: Bùi Ước, Hoàng  Duy Tân khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám  cương mục, nhân đó soạn Việt sử cương giám khảo lược.

Năm 1877, triều đình chấp thuận kế hoạch khai hoang  vùng La Ngư, Ba Dầu nên cử ông về làm doanh điền sứ  Bình Thuận.

Năm 1878, bệnh cũ tái phát, ông xin nghỉ dài hạn. Năm 1880, Nguyễn Thông được mật chỉ cùng  với các quan địa phương xử vụ nổi dậy của người thiểu số, xử vụ lưu dân từ trong Nam ra. Cũng năm này, ông  thành lập Đồng Châu xã và xây dựng Ngọa Du Sào để  có nơi làm thơ, đọc sách.

Năm 1881, Nguyễn Thông  được bổ nhiệm làm Phó sứ điển nông kiêm Đốc học tỉnh  Bình Thuận. Năm sau ông được thăng làm Hồng lô tự  khanh. Năm 1883, kinh thành thất thủ, vua Tự Đức băng  hà, ông ra Huế thọ tang vua.

Ngày 27/8/1884, Nguyễn Thông mất tại Ngọa Du Sào - Phan Thiết (Bình  Thuận), nơi sau này các con ông là Nguyễn Quý Anh  và Nguyễn Trọng Lội đã tiếp nối truyền thống, thành  lập Dục Thanh học hiệu mà người thanh niên yêu nước  Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh)  đã ghé dạy học (3-1909) trên đường vào Nam tìm đường  cứu nước.

Về mặt trước tác, Nguyễn Thông để lại nhiều tác  phẩm giá trị như: Kỳ Xuyên văn sao, Kỳ Xuyên công  độc, Ngọa Du Sào văn tập, Việt sử cương giám khảo  lược. Theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh trong tạp chí  Nghiên cứu lịch sử số 221, Nguyễn Thông còn là tác  giả sách “Kỳ Xuyên thi sao” mới tìm thấy ở miền Nam.

Cuộc đời hoạt động và trước tác của Nguyễn Thông  để lại đã khẳng định ông là một nhà hoạt động văn hóa  lớn, một trí thức lớn đã thể hiện tấm lòng yêu nước một  cách trọn vẹn trong thời kỳ lịch sử đầy biến động ở nước  ta vào cuối thế kỷ XIX.

Nguyễn Thông an nghĩ vĩnh viễn trên quê hương thứ hai Bình Thuận, nhưng nơi sinh ra ông, tên ông đã thành tên đường , tên trường học.Khu vườn nhà ông nay là khu lưu niệm.Đó là một quần thể (rộng 543m2) gồm công trình bia lưu niệm ( xây dựng năm 1984 nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Thông), nền nhà cũ, mộ phần của bà nội và song thân của Nguyễn Thông bằng đá ong (laterit).

Đặc biệt tại đây còn một bia đá cẩm thạch do chính ông tạo lập năm 1868, loại bia một mặt có kiểu dáng và trang trí mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Nội dung bia xác định vị trí các ngôi mộ, năm sinh ,năm mất và một bài minh ca ngợi công đức thân sinh ông là Nguyễn Hanh.

Ngày nay,''Khu lưu niệm Nguyễn Thông'' là địa điểm tham quan ,thăm viếng, là địa chỉ về nguồn của học sinh, sinh viên. Bia đá do ông lập là di sản quí ở địa phương,là tư liệu góp phần tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Thông. Đồng thời, là những di sản quý  giá giúp cho thế hệ hiện tại và tương lai tự hào, kế thừa,  phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước của dân tộc mà  ông chính là một trong những tấm gương tiêu biểu.

 Khu lưu niệm Nguyễn Thông đã được Bộ văn  hóa - Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết  định số 04/2001/QĐ-BVHTT ngày 19/1/2001./. 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1